Từ cái thời điểm DLSS phiên bản đầu tiên ra mắt cùng thế hệ card đồ họa RTX 20 series năm 2018, đã bắt đầu có những lo ngại về việc đồ họa máy tính nói chung và đồ họa game nói riêng sẽ phải phụ thuộc vào những thuật toán machine learning, hay gọi theo đúng xu hướng hơn là AI, để đạt được hiệu năng ưng ý trên những cấu hình PC đời mới.
Nvidia cũng phải cần đến AI hỗ trợ để làm đồ họa
Thực tế lo ngại này đúng là có cơ sở, vì hiện tại đã bắt đầu xuất hiện vài trò chơi chỉ có thể đạt được chất lượng hình ảnh và độ phân giải như kỳ vọng khi kết hợp với những công nghệ nâng cấp hình ảnh như DLSS.
Vừa rồi tại sự kiện Communacopia + Technology Conference do ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, CEO Jensen Huang của Nvidia đã được đặt câu hỏi, ứng dụng nào sử dụng thuật toán AI khiến ông háo hức nhất về tương lai phát triển của chúng, câu trả lời chính là đồ họa máy tính:
“Giờ không có trí tuệ nhân tạo thì không thể phát triển ngành đồ họa máy tính được. Chúng tôi hiện giờ chỉ tính toán ra 1 điểm ảnh, và nội suy 32 điểm ảnh khác. Ý tôi là nó thực sự tuyệt vời. Hiện giờ quy trình nội suy 32 điểm ảnh bằng AI vừa ổn định, vừa chân thực, và cả chất lượng hình ảnh lẫn hiệu năng phần cứng máy tính đều tuyệt vời.”
Bình luận của ông Huang tại một hội thảo kinh doanh công nghệ có thể được hiểu như thế này. CEO Nvidia đang đặt cược vào một tương lai đồ họa máy tính nói chung và đồ họa game nói riêng tận dụng tối đa sức mạnh của những thuật toán machine learning hay deep learning để nâng cấp độ phân giải hình ảnh của những trò chơi điện tử trên PC, để CPU và GPU xử lý chúng ở độ phân giải thấp hơn, từ đó tối ưu cả tốc độ khung hình lẫn chi tiết hình ảnh.
Theo Jensen Huang, ứng dụng những thuật toán như DLSS là bước phát triển tự nhiên của công nghệ đồ họa máy tính, giống hệt như những đột phá trước đó trong ngành, chẳng hạn như kỹ thuật khử răng cưa (anti-aliasing) hay chồng texture tạo chiều sâu cho vật thể (tessellation).
Cũng phải thừa nhận rằng, các nhà phát triển game cũng đang dựa vào hiệu năng và khả năng của những tính năng như DLSS hay FSR để tối ưu chất lượng đồ họa trên game PC mà họ phát triển. Vậy là càng lúc, trong cuộc chạy đua làm game càng lúc càng chân thực, áp lực mà CPU và GPU phải chịu đựng trong quá trình chơi game cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Vậy là mặc định, muốn chơi mượt game ở độ phân giải 2K hay 4K, những kỹ thuật nâng độ phân giải hình ảnh xử lý trên phần cứng máy tính có thể giúp mọi người chơi game ở tốc độ khung hình ưng ý trên nhiều dàn máy, từ những chiếc PC cầm tay cho tới cấu hình máy bàn cao cấp, và cả trên những cỗ máy console như Temporal Anti Aliasing hay sắp tới là PSSR trên PS5 Pro.
Nhắc lại cách DLSS vận hành. Thuật toán của giải pháp này vận hành trên cụm nhân tensor xử lý số thực dấu phẩy động riêng biệt so với những nhân xử lý đồ họa trên những card đồ họa RTX của Nvidia. Bản thân mô hình deep learning cũng được huấn luyện dựa trên những tấm screenshot và những khung hình game ở độ phân giải cao để học cách tái tạo những chi tiết một cách sắc nét và rõ ràng khi anh em chơi game. Một giải pháp cạnh tranh với Nvidia DLSS là XeSS của Intel.
Thử nghiệm nội bộ của Intel cho biết, có trường hợp XeSS tạo ra tốc độ khung hình tăng gấp đôi trong một số trò chơi, tức là vừa chơi mượt, vừa không phải hy sinh chất lượng đồ họa của một trò chơi. Khác biệt của XeSS là nó vận hành trên mọi card đồ họa tiêu dùng phổ biến của cả ba hãng Nvidia, AMD và Intel, chứ không độc quyền trên card RTX như DLSS của Nvidia.
Và như đã nói, nhiều gamer bày tỏ lo ngại rằng xu hướng này có thể biến những công nghệ nâng cấp hình ảnh bằng thuật toán AI trở thành thứ không thể thiếu trong quá trình chơi game, nếu muốn hiệu năng xử lý ổn cả về chất lượng hình ảnh lẫn tốc độ khung hình. Lấy ví dụ trước đây đã từng có một tác phẩm là Remnant II yêu cầu card đồ họa phải bật những chế độ như DLSS để đạt được hiệu năng mong muốn trong bảng danh sách cấu hình yêu cầu.
Remnant II bị nêu tên vì nó viết rõ ràng rằng, muốn đạt được hiệu năng ưng ý trên cấu hình yêu cầu và khuyến nghị, người dùng sẽ phải bật DLSS. Nhưng cũng chẳng thiếu những trò chơi khác mặc định ngầm hiểu rằng người chơi sẽ bật FSR hay DLSS lên trong quá trình chơi game, từ đó liệt kê cấu hình yêu cầu tương ứng, Black Myth Wukong chẳng hạn.
Với những nỗ lực phát triển công nghệ, phần cứng và phổ biến ứng dụng trong game, có một điều Jensen Huang đã đúng với DLSS. Cho dù chúng ta có muốn hay không, những ứng dụng nâng cấp độ phân giải hình ảnh bằng AI chắc chắn sẽ là xu hướng từ nay về sau.
Bằng chứng không đâu xa. Phó chủ tịch mảng sản phẩm điện toán tiêu dùng của AMD, anh Jack Huynh vừa rồi đã xác nhận, công nghệ nâng cấp độ phân giải hình ảnh FSR 4 do AMD phát triển sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thuật toán machine learning, tức là sẽ vận hành giống hệt như DLSS và XeSS. Rất có thể đây chính là nền móng cho PSSR trên PS5 Pro, dự kiến ra mắt vào tháng 11 tới.
Cùng lúc, Microsoft cũng đã có một giải pháp gọi là Auto Super Resolution, cũng ứng dụng thuật toán machine learning để đẩy độ phân giải hình ảnh game theo thời gian thực. Tính năng này vận hành ngay trên NPU của con chip xử lý, với yêu cầu sức mạnh của cụm NPU tích hợp trong những con chip có hiệu năng tối thiểu 40 TOPS. Tuy nhiên, Auto Super Resolution đang được thử nghiệm với một số ít game PC: Borderlands 3, Control, God of War, và The Witcher 3.
Theo Techspot