Thương vụ mua lại Silo AI, startup phát triển mô hình và giải pháp AI đến từ Phần Lan có trị giá 665 triệu USD của AMD dự kiến sẽ là một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất trên thị trường công nghệ châu Âu. Với thương vụ này, một lý do cơ bản là AMD đang muốn cạnh tranh trực tiếp với Nvidia trên thị trường chip xử lý trang bị trong những data center và máy chủ đám mây phục vụ xử lý AI.
Theo AMD, 300 nhân sự của Silo AI sẽ sử dụng những công cụ phần mềm để phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn, thứ công nghệ làm tiền đề và nền tảng cho gần như mọi công cụ và tính năng AI được nhắc đến nhiều nhất ở thời điểm hiện tại, từ ChatGPT cho tới Google Gemini. Thương vụ này dự kiến sẽ được các nhà quản lý thị trường phê duyệt và hoàn tất vào nửa cuối năm nay.
Vamsi Boppana, phó chủ tịch mảng trí tuệ nhân tạo của AMD nói: “Thỏa thuận này sẽ giúp cả hai tăng tốc trong việc tiếp cận khách hàng và triển khai ứng dụng, cùng lúc giúp chúng tôi cải thiện thư viện công nghệ AI.”
Thương vụ lớn nhất thị trường công nghệ AI tại châu Âu trước đó là thương vụ Google mua lại startup DeepMind có trụ sở tại London, Anh Quốc với giá khoảng 400 triệu Bảng Anh vào năm 2014.
Thương vụ của AMD được thực hiện giữa thời điểm các tập đoàn công nghệ khổng lồ, hầu hết đều có đại bản doanh ở Silicon Valley, bị các nhà quản lý thị trường tại liên minh châu Âu và Washington để ý. Trong thời gian qua, những startup AI vừa và nhỏ như Mistral (Pháp), DeepL (Đức) hay Helsing (Đức), những đơn vị có trụ sở tại châu Âu đều đã gọi được hàng trăm triệu USD tiền vốn, khi các nhà đầu tư tại châu Âu muốn tìm ra một cái tên đủ sức mạnh cạnh tranh được với OpenAI hay Anthropic ở Mỹ.
Silo AI có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan. Họ là một trong những phòng nghiên cứu AI tư nhân lớn nhất tại châu Âu. Họ cung cấp những mô hình AI được tùy chỉnh, cũng như những nền tảng ứng dụng AI cho khách hàng doanh nghiệp. Năm ngoái, startup này đã triển khai một sáng kiến để xây dựng những LLM phục vụ riêng cho cộng đồng Bắc Âu, chuyên biệt xử lý những ngôn ngữ như tiếng Thụy Điển, Đan Mạch và Iceland.
Đồng sáng lập kiêm CEO của Silo AI, Peter Sarlin gọi thương vụ này là “bước hợp lý” khi startup Phần Lan có tham vọng trở thành một công ty AI cao cấp. Họ phát triển những mô hình AI mã nguồn mở, cung cấp miễn phí và ai cũng có thể tùy chỉnh để tạo ra những phiên bản LLM phù hợp với nhu cầu sử dụng riêng. Điều này khiến nó trở nên khác biệt với OpenAI hay Google, với những LLM “kín”, muốn sử dụng phải bỏ chi phí mua mô hình.
Những phiên bản LLM mang tên Poro của Silo AI được mô tả là những giải pháp giúp công nghệ AI nói chung và LLM nói riêng đến được với mọi người.
Chính bản thân việc những LLM mạnh nhất thế giới hiện tại đều là những mô hình phải trả thương quyền để sử dụng cũng chính là lo ngại của các nhà quản lý tại Brussels và Washington. Những mô hình này nằm trong tay một số ít những tập đoàn công nghệ khổng lồ, từ đó dấy lên những lo ngại về cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền.
Thương vụ này cho thấy AMD đang muốn mở rộng quy mô kinh doanh với tốc độ nhanh, tiếp cận và làm việc với khách hàng dựa trên những gì họ có, kể cả phần cứng (MI300X) hay phần mềm (ROCm). AMD coi SiloAI là một mắt xích giữa những phần mềm và thuật toán AI mang tính nền tảng, với những ứng dụng công nghệ thực tế cho cá nhân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những con chip xử lý AI, phần mềm phục vụ nghiên cứu và vận hành AI cũng đã trở thành mảng mà các tập đoàn công nghệ cạnh tranh với nhau. Với cả phần cứng lẫn phần mềm, lấy ví dụ những khách hàng của Nvidia, họ sẽ phải ứng dụng và nâng cấp hệ thống một cách đều đặn, bất chấp việc cơn sốt AI tạo sinh, và bất chấp cả chu kỳ nâng cấp chip xử lý của doanh nghiệp.
Thành công của Nvidia đến từ khoản đầu tư hàng tỷ USD phát triển API CUDA, bộ công cụ phát triển cho phép những con chip ban đầu được thiết kế để tính toán vector và số thực dấu phẩy động trong quá trình render đồ họa 3D trong những trò chơi điện tử, có thể sử dụng sang nhiều mục đích khác. Từ đó, GPU (Graphics Processing Unit) được Nvidia gọi là GPGPU (General Purpose Graphics Processing Unit).
Kể từ khi bắt đầu phát triển CUDA vào năm 2006 tới nay, Nvidia đã mở rộng nền tảng phần mềm phát triển của họ sang rất nhiều mảng ứng dụng và dịch vụ khác nhau, nhắm tới các khách hàng doanh nghiệp không có tiềm lực và kỹ năng như những tập đoàn công nghệ ở Silicon Valley. Hiện giờ Nvidia có hơn 600 mô hình được huấn luyện sẵn, khách hàng chỉ việc mua và vận hành.
Tháng trước, Nvidia đã công bố một giải pháp nền tảng dịch vụ mang tên NIM, cho phép các đơn vị hay thậm chí là cả các lập trình viên cá nhân tạo chatbot AI nhanh chóng. Và với dịch vụ này, Nvidia bắt đầu thu tiền của các đơn vị và lập trình viên, thay vì cung cấp phần mềm phát triển miễn phí khi mua phần cứng của hãng.
Còn trong khi đó, AMD là một trong số vài đơn vị đang hợp tác tạo ra một liên minh tên là Triton, đứng đầu chính là OpenAI, để tạo ra những giải pháp nền tảng phần mềm phát triển AI cạnh tranh với CUDA của Nvidia. Liên minh phát triển Triton đưa ra hứa hẹn rằng các nhà phát triển ứng dụng AI sẽ có thể chuyển đổi kiến trúc chip xử lý rất dễ dàng. Bên cạnh OpenAI và AMD, liên minh Triton còn có Meta, Microsoft và Intel.
Theo FT