Câu chuyện chip xử lý máy bàn thế hệ 13 và 14, Raptor Lake và Raptor Lake Refresh gặp phải tình trạng crash khi chơi game, hay xử lý những tác vụ nặng có vẻ vẫn chưa kết thúc, và sẽ khó có thể kết thúc sớm. Hôm thứ 2 vừa rồi, cứ tưởng Intel đã tìm ra được nguyên nhân những con chip xử lý trung và cao cấp dành cho máy bàn bị crash khi chơi game, hoặc game crash, hoặc cả Windows bị màn hình xanh. Nhưng thực tế, Intel chỉ công bố rằng giữa tháng 8 tới, bản vá lỗi giải quyết tình trạng quá tải điện áp đầu vào từ bo mạch chủ vào con chip CPU thế hệ 13 và 14 sẽ được tung ra.
Bản vá này là những microcode điều khiển điện áp mà CPU yêu cầu từ bo mạch chủ và bộ nguồn máy tính.
Tuy nhiên có một nguồn tin không chính thức nói rằng: Nếu anh em đã gặp phải tình trạng máy tính bị crash khi chơi game hoặc xử lý tác vụ nặng, thì không một bản vá nào có thể sửa được tình trạng này cả. Con chip của anh em, khi tình trạng quá tải điện áp đầu vào dẫn tới crash phần mềm hoặc crash cả Windows, đồng nghĩa với việc nhân silicon CPU đã bị xuống cấp, hư hỏng. Và khi phần cứng hư hỏng thì không có bản vá phần mềm nào sửa chữa được.
Theo nguồn tin của Tom’s Hardware, mọi tổn hại mà phần cứng die silicon của con chip CPU Core thế hệ 13 và 14 gặp phải sẽ là vĩnh viễn. The Verge đưa tuyên bố này và hỏi người phát ngôn của Intel, họ không phủ nhận. Theo Intel, họ “tự tin” rằng bản vá của họ sẽ điều chỉnh lại điện áp đầu vào cấp cho CPU, để phần cứng không bị ảnh hưởng và hư hỏng. Một giải pháp nữa là cập nhật BIOS bo mạch chủ của từng hãng OEM.
Nhưng, nhắc lại một lần nữa, nếu anh em đã gặp phải tình trạng crash game khi sử dụng Core i7 hay Core i9 thế hệ 13 và 14 của Intel, giải pháp duy nhất là đổi bảo hành một con chip mới, chứ những bản vá và cập nhật BIOS mới hoàn toàn không có tác dụng với những CPU đã bị hư hại. Điều này đưa chúng ta đến với những lo ngại rằng nếu hết thời hạn bảo hành mà CPU mới thể hiện những triệu chứng phần cứng hư hỏng do quá tải điện áp, Intel liệu có chấp nhận bảo hành đổi mới hay không.
Điều thứ hai cần đề cập, đó là tính đến thời điểm hiện tại, ngày 27/7/2024, Intel vẫn chưa có động thái dừng bán những sản phẩm chip xử lý máy bàn thế hệ 13 và 14 trên toàn thế giới, dù đã thừa nhận sản phẩm của họ gặp lỗi.
Điện áp quá cao không phải nguyên nhân duy nhất
Intel cũng xác nhận thêm rằng điện áp quá cao cấp cho die CPU trong những con chip xử lý máy bàn thế hệ 13 và 14 không phải nguyên nhân duy nhất dẫn tới hư hỏng phần cứng, chạy phần mềm nặng như game hay sáng tạo nội dung bị crash phần mềm hoặc crash cả hệ điều hành. Người phát ngôn Thomas Hannaford của Intel cho biết đó là nguyên nhân chủ yếu, nhưng các kỹ sư của tập đoàn vẫn đang điều tra đến cùng.
Giám đốc cộng đồng của Intel, Lex Hoyos cũng hé lộ rằng, những vấn đề mà người dùng chip CPU máy bàn Core 13th và 14th Gen trong những tháng qua có liên quan tới những vấn đề trong quy trình oxy hóa wafer silicon (Via Oxidation). Tuy nhiên vấn đề này đã được Intel tìm ra và giải quyết từ năm 2023, và chỉ ảnh hưởng tới một số lượng hạn chế những con chip Core 13th Gen sản xuất trong khoảng thời gian đầu.
Đây cũng là lần đầu tiên Intel xác nhận tình trạng hư hại die silicon của những con chip máy bàn thế hệ 13 và 14 phủ rộng tới đâu. Theo họ, tình trạng quá tải điện áp, hư hỏng phần cứng chip xử lý có thể gặp ở cả những chip CPU với TDP ở ngưỡng 65W, chẳng hạn như Core i9-13900, Core i7-13700 hay Core i5-13600, những phiên bản “non-K” không được mở khóa để ép xung. Điều này trái ngược với những khẳng định trước đó, rằng chỉ có những chip xử lý cao cấp nhất của hai thế hệ Raptor Lake và Raptor Lake Refresh mới gặp tình trạng quá tải điện áp và crash phần mềm hoặc HĐH.
Kiểm tra chip xử lý của anh em có gặp lỗi hay không
Trước khi có bản vá microcode điều chỉnh lại thuật toán cấp điện cho CPU, Intel cũng khuyến cáo người dùng, là anh em, tự thực hiện một bài test được đặt tên là “Robeytech Test” xem CPU Core thế hệ 13 và 14 đã gặp hư hại về phần cứng hay chưa. Bài test này được đề cập và mô tả trong một đoạn clip của kênh YouTube Robeytech, anh em xem từ phút thứ 8 để thực hiện theo:
Với bài test này, anh em sẽ cần tới một card đồ họa của Nvidia để tiến hành tải và cài đặt gói driver Nvidia Graphics Driver, để CPU vận hành giải nén và cài đặt ở hiệu năng tối đa mà con chip có thể vận hành. Nếu CPU gặp hư hại phần cứng, tình trạng bất ổn định về hiệu năng sẽ xảy ra khi tiến hành cài đặt driver card đồ họa Nvidia. Lý do chọn bài test này để kiểm tra hư hại CPU, là vì quy trình giải nén bộ driver Nvidia rất giống với quy trình giải nén dữ liệu game thông qua bộ công cụ RAD Tools Oodle Decompression trong những trò chơi gặp tình trạng crash.
Trước khi thực hiện bài test này, anh em dùng mainboard đầu 7 và đầu 8 chipset Intel cần cập nhật BIOS tương ứng của từng hãng sản xuất bo mạch chủ, rồi mới bắt đầu kiểm tra. Mình xin phép nhấn mạnh là nếu không cập nhật, có thể chính bài kiểm tra này sẽ khiến CPU của anh em bị hư hỏng.
Sau khi cập nhật BIOS, anh em hãy cài đi cài lại từ 5 đến 10 lần driver Nvidia. Theo Robeytech, chỉ cần chừng 5 lần, nếu CPU bị hư hại, lỗi sẽ xảy ra, phần mềm Nvidia sẽ thông báo rằng cài đặt thất bại. Đó là lúc anh em biết CPU trong dàn máy của anh em có gặp hư hại hay không.
Còn nếu anh em không có card Nvidia, mà đang dùng card đồ họa AMD Radeon, thì chỉ cần chạy Cinebench R23 trong vòng 10 phút, nếu CPU Intel gặp sự cố và hư hại, thì cũng sẽ báo lỗi.
Vấn đề lại nằm ở chỗ, Robeytech nhấn mạnh, thử nghiệm cài driver Nvidia hay chạy Cinebench 10 lần hay 10 phút mà không gặp lỗi, không đồng nghĩa với việc CPU của anh em không bị xuống cấp. Điện vào transistor silicon luôn khiến die bán dẫn của con chip dần xuống cấp, nhưng nếu lỗi giải nén không xuất hiện, khả năng rất cao là con chip anh em đang dùng vẫn còn rất ổn.
Những điều anh em cần biết
Dưới đây là những câu hỏi của The Verge, và câu trả lời chính thức của đại diện phát ngôn của tập đoàn Intel:
Những chip nào có thể bị ảnh hưởng vì lỗi điện áp?
Những chip xử lý máy bàn với TDP gốc từ 65W trở lên, bao gồm cả những chip K/KF/KS và những phiên bản TDP 65W non-K của những phiên bản Core i5, i7 và i9. Tuy nhiên không phải chip nào cũng chắc chắn sẽ gặp phải tình trạng hư hại phần cứng vì điện áp đầu vào quá cao. Theo Intel, những khách hàng đã và đang gặp phải những triệu chứng bất ổn hiệu năng xử lý trên chip máy bàn thế hệ 13 và 14 nên liên hệ bảo hành đổi trả chip CPU mới. Nếu yêu cầu RMA (return merchandise authorization) đổi trả sản phẩm bảo hành bị từ chối, khách hàng nên tiếp tục liên hệ Intel Customer Support để được hỗ trợ bảo hành.
Intel có thu hồi sản phẩm toàn cầu hay không?
Không.
Bản vá microcode có giải quyết được vấn đề vận hành, hiệu năng và độ bền cho những CPU đang sử dụng nhưng chưa có triệu chứng lỗi quá tải điện áp hay không?
Intel nói rằng họ tự tin rằng bản vá microcode sẽ có tác dụng phòng chống tình trạng xuống cấp và hư hại CPU đối với những sản phẩm tiêu dùng đang vận hành, và quy trình xác thực sẽ tiếp tục để đảm bảo mọi vấn đề liên quan tới độ ổn định CPU thế hệ 13 và 14 của Intel sẽ được giải quyết tận gốc. Vì bản vá chưa ra mắt, nên CÓ KHẢ NĂNG bản vá sẽ ngăn chặn được tình trạng quá tải điện áp, có thể cải thiện được độ ổn định khi vận hành. Nhưng nếu khách hàng đang gặp phải tình trạng bất ổn khi vận hành hệ thống, thì nên liên hệ với Intel để bảo hành và đổi CPU mới, hoặc để được trợ giúp.
Intel có kéo dài thời gian bảo hành với hai thế hệ sản phẩm CPU máy bàn 13th và 14th Gen không?
Chưa có câu trả lời chính thức từ phía Intel.
Intel tốn khá nhiều thời gian để phát hiện nguyên nhân CPU trục trặc, khách hàng sẽ cần bằng chứng gì để chứng minh CPU của họ bị hư hại?
Chưa có câu trả lời chính thức từ phía Intel.
Nếu cần đổi trả nhưng nguồn hàng chip CPU máy bàn thế hệ 13th hết, thì phải làm thế nào? Theo thông tin, đơn hàng CPU Core 13th Gen cuối cùng đã xuất xưởng từ cuối tháng 06/2024?
Intel cam đoan rằng họ sẽ đảm bảo mọi khách hàng tiêu dùng đã và đang gặp tình trạng bất ổn hiệu năng CPU cao cấp thế hệ 13 và/hoặc 14 được hỗ trợ tốt nhất, được đổi trả sản phẩm mới. Lời hứa này bao gồm cả quá trình làm việc chặt chẽ với những kênh phân phối và bán lẻ để đảm bảo người dùng đầu cuối được hỗ trợ.
Những CPU được đổi trả cho khách hàng có đi kèm với cập nhật microcode điều chỉnh điện áp cho chip hay không, hay người dùng vẫn phải tự cập nhật? Cho tới khi có cập nhật bản vá, Intel có tiếp tục bán những sản phẩm có nguy cơ hỏng hóc?
Intel sẽ cập nhật bản vá microcode cho mọi chip xử lý máy bàn thế hệ 13 và 14 chưa được giao cho các kênh bán lẻ và đối tác, ngay thời điểm bản vá được tung ra, gửi tới các đối tác OEM/ODM, dự kiến giữa tháng 8 hoặc sớm hơn. Với những chip xử lý đang vận hành, người dùng sẽ phải tự cập nhật bản vá.
Trước khi có bản vá microcode điều chỉnh điện áp vào CPU, người dùng có cách nào để tránh tình trạng CPU bị hư hại và xuống cấp do lỗi quá tải điện áp đầu vào?
Intel khuyến cáo người tiêu dùng áp dụng profile Intel Default Settings trên CPU máy bàn của họ, và đảm bảo BIOS của bo mạch chủ được cài bản cập nhật mới nhất. Khi bản vá microcode được gửi tới các đối tác OEM/ODM, khách hàng cũng nên lên trang chủ nhà sản xuất mainboard để tải bản cập nhật mới nhất.
Vì sao Intel tin rằng tình trạng quá tải điện áp dẫn tới hư hỏng die chip CPU sẽ không xảy ra với những chip xử lý dành cho máy tính xách tay?
Intel đã và đang tiếp tục tiến hành điều tra và nghiên cứu để đảm bảo những vấn đề độ bền CPU được thông báo trên chip xử lý Core 13/14th Gen được giải quyết tận gốc. Trong đó bao gồm cả bước phân tích để xác định và đảm bảo những nguyên nhân gây ra tình trạng hư hại CPU máy bàn không xảy ra với những chip máy tính xách tay.
Intel có thể cung cấp khoảng thời gian và số serial của những con chip CPU được sản xuất với lỗi trong công đoạn Via Oxidation, để các doanh nghiệp hay người dùng có thể tiện thay thế hoặc đổi trả?
Intel đang tiếp tục làm việc và hợp tác với các đối tác trên phương diện lỗi kỹ thuật Via Oxidation trong quá trình gia công wafer bán dẫn, để đảm bảo họ được hỗ trợ tốt nhất trong quá trình đổi trả CPU mới.
Nguồn : tinhte.vn