Theo thống kê của Mercury Research, lần đầu tiên trong cả thập kỷ qua, “người tý hon” AMD đạt 20.6% thị phần chip x86 toàn cầu trước “gã khổng lồ Goliath” Intel.
Nhưng trước khi đi sâu vào báo cáo của Mercury, chúng ta cần điểm qua một chút về lịch sử thị trường x86 và tại sao con số 20.6% này có ý nghĩa rất lớn với AMD.
Tại sao AMD không bao giờ có thể vượt Intel?
Thực tế trong quá khứ, có rất nhiều hãng từng sản xuất chip x86 như Transmeta, DEC, NEC, Cyrix, National Semiconductor… Nhưng theo thời gian trước sự cạnh tranh khốc liệt và nhất là các động thái hạn chế bản quyền từ Intel, những cái tên này lần lượt “rụng rơi”, đến nay chỉ còn 3 đại diện chính là Intel, AMD và VIA (Zhaoxin). Do VIA chủ yếu sản xuất chip cho thị trường nội địa (Đài Loan) và Trung Quốc nên xem như không có ảnh hưởng lớn tới toàn cầu. Vì thế cuộc đua x86 chủ yếu xảy ra giữa AMD và Intel.
Nhưng cuộc song đấu này thường là cuộc đấu lệch cân vì Intel luôn lớn hơn AMD kể cả về số vốn lẫn kích chiều quy mô nhân lực nhà máy. Cho tới trước 2008, AMD chỉ có duy nhất một fab sản xuất chip nằm tại Đức. Riêng Intel có hơn chục nhà máy như thế… Vì thế sản lượng chip của Intel luôn gấp 4 – 5 lần AMD và dĩ nhiên, theo quy luật cung cầu, AMD không thể “phủ kín” mọi kênh phân phối bất kể là sản phẩm có tốt hơn đối thủ hay không.
Tới 2008, khi mà việc thu nhỏ transistor ngày càng trở lên khó khăn. Việc đầu tư chi phí và mua sắm trang thiết bị sản xuất (ví dụ các máy in lithography) ngày càng đắt đỏ hơn, AMD vốn đang ngập trong nợ nần (một phần từ việc mua lại hãng ATI) không có khả năng cạnh tranh về bán dẫn với Intel nữa. Công ty này buộc phải ra quyết định “cắt máu” bằng cách tách khâu sản xuất chip ra một công ty riêng gọi là GlobalFoundries (trong hợp tác đầu tư với ATIC, một công ty xứ Arab), bản thân chỉ tập trung vào thiết kế chip và tìm đối tác gia công (ví dụ TSMC). AMD trở thành công ty không có fab sản xuất (fabless) tương tự NVIDIA, Apple, Qualcomm từ thời điểm này.
Tuy việc từ bỏ sản xuất chip tiết kiệm cho AMD rất nhiều chi phí R&D cũng như đầu tư máy móc, song mặt trái là công ty này sẽ phải lệ thuộc vô các đối tác gia công (foundry) như GlobalFoundries, TSMC, Samsung. Nếu các công ty này không thể có dây chuyền bán dẫn tốt hơn hay sản lượng không đủ đáp ứng, thì nhìn chung AMD vẫn bị giới hạn về thị phần như đã từng bị khi tự tay làm ra chip. Thực tế điều này đã xảy ra khi GlobalFoundries quyết định từ bỏ việc chạy đua công nghệ bán dẫn mới mà chỉ dừng lại ở node 14 nm. Hoặc khi Apple, NVIDIA và Huawei (trước khi bị chính phủ Mỹ cấm vận) cùng “vung tiền” chi đậm cho TSMC, AMD buộc phải xuống “chiếu dưới” dùng tiến trình bán dẫn cũ hơn cũng như sản lượng chip thấp hơn mong muốn.
Trên thực tế việc các chip Ryzen Mobile của AMD bị thiếu hụt ở nhiều kênh phân phối, thị trường cũng đến từ việc TSMC đã không cung cấp đủ chip cho công ty này. Khi sản lượng có giới hạn thì lẽ tất nhiên là bạn không thể chiếm được nhiều thị phần. Do đó, AMD gần như không bao giờ có thể vượt mặt thị phần Intel là điều đương nhiên. Vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ – AMD có thể giành được bao nhiêu phần đang có sẵn từ Intel? Vì khi anh chỉ có thể đạt sản lượng bằng 1/5-1/4 đối thủ thì “thắng lợi” chính là anh có thể “dọn sạch kho” chứ không phải là bán được nhiều hơn đối thủ.
Thống kê của Mercury
Về cơ bản, chip x86 có thể chia làm 3 hạng mục – máy bàn (desktop), laptop (mobile) và máy chủ (server). Trong đó, desktop và laptop có thể gom chung thành máy cá nhân (client PC).
Nhìn vào trục thời gian, bạn có thể thấy trong gần chục năm qua, AMD đã từng “thấp kém” như thế nào khi có những năm công ty này chưa chiếm được 10% tất cả các thị phần. Đó là khoảng thời gian công ty này đứng bên bờ phá sản, khi Lisa Su vừa về cầm trịch CEO vào 2014. Tất nhiên để tái cơ cấu lại một doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều thời gian. Bản thân việc thiết kế một con chip mới (kiến trúc mới) cần từ 3 – 5 năm. Và 2017 là thời điểm những con chip Ryzen (Zen 1) đầu tiên ra lò, kể từ đó, AMD mới bắt đầu trở lại và thị phần tăng dần theo năm tháng.
Nhưng vài quý gần đây, xu thế thị phần PC của AMD bắt đầu chững lại và có giai đoạn đi xuống. Hiện tượng này có một phần nguyên nhân khi Intel tung ra các dòng chip mới cũng như giảm giá tích cực sản phẩm để cạnh tranh. Nguyên nhân khác nữa là sản lượng chip TSMC cung cấp không đủ. Cũng không thể bỏ qua yếu tố chủ quan khi Lisa Su tập trung vào thị trường server hơn là PC. Chip server dù sao, vẫn cho lợi nhuận cao hơn, nên đây cũng là bước đi hợp lý để công ty sinh lời. Tất nhiên, cách làm này sẽ khiến người dùng PC gặp khó khăn hơn khi muốn sắm một con chip Ryzen.
Tổng kết lại, Q1 này AMD đạt 23.6% thị phần chip server (cùng kỳ năm ngoái 18%), 23.9% thị phần desktop (năm ngoái đạt 19.2%) và 19.3% thị phần laptop (năm ngoái đạt 16.2%). Tuy vẫn khiêm tốn so với người khổng lồ Goliath song đây là kết quả xuất sắc khi biết rằng AMD không bao giờ có được sản lượng chip như Intel.
Theo Mercury Research | AMD