Xét theo logic đặt tên thì mẫu card đồ họa đầu bảng thế hệ kế tiếp của NVIDIA sẽ là GeForce RTX 5090, dĩ nhiên đây mới chỉ là thông tin suy đoán, thứ chúng ta biết được chắc chắn là tên mã Blackwell. Tương tự như AD102, RTX 5090 sẽ dựa trên con chip GPU cao nhất (hoặc gần như vậy nếu có bản Titan, Ti hay SUPER) để kế thừa vị trí dẫn đầu cho thị trường đồ họa tiêu dùng.
Ngày ra mắt dự kiến của RTX 5090 có thể là trong năm 2025, sở hữu cổng xuất tín hiệu hình ảnh mới – DisplayPort 2.1. Tin đồn từ phía Kopite7kimi cho thấy RTX 5090 có khả năng sẽ trang bị bộ nhớ đồ họa GDDR7, chưa xác định độ rộng vẫn là 384 bit hoặc nâng lên 512 bit. Phía 3Dcentre cho rằng bộ nhớ GDDR7 của RTX 5090 có thể đạt tới ngưỡng 64 GB (thành phần gồm 8 chip nhớ dung lượng 8 GB/chip), trong khi nguồn tin Kopite7kimi lại nói rằng RTX 5090 vẫn sẽ sử dụng chip nhớ dung lượng 2 GB quen thuộc.
Anh em lưu ý rằng chính chủ NVIDIA chưa từng cung cấp bất kỳ thông tin hay kế hoạch nào về sự ra mắt của RTX 5090 hay 1 mẫu card kế thừa vị trí của RTX 4090 hiện tại. Tuy nhiên theo chu kỳ 2 năm (bắt đầu từ 2012) mỗi khi NVIDIA ra mắt card đồ họa thế hệ mới, có khả năng Blackwell sẽ xuất hiện ngay trong năm nay 2024. Nhìn lại lịch sử ta có Kepler (GTX 700 Series) tháng 4/2012, Maxwell (GTX 900 Series) tháng 2/2014, Pascal (GTX 10 Series) tháng 5/2016, Turing (RTX 20 Series) tháng 9/2018, Ampere (RTX 30 Series) tháng 5/2020, Ada Lovelace (RTX 40 Series) tháng 10/2022, Blackwell (RTX 50 Series) tháng x/2024.
Tài khoản Panzerlied tại diễn đàn Chiphell cho biết RTX 5090 sẽ có thông số kỹ thuật ấn tượng hơn nhiều so với RTX 4090. Cụ thể GPU Blackwell đầu bảng sẽ trang bị 192 SM (Streaming Multiprocessor), 24576 nhân CUDA, 192 nhân Ray Tracing, 768 nhân Tensor, bộ đệm L2 dung lượng 128 MB cùng tốc độ hoạt động tới 2.9 GHz. Người này cũng cho rằng RTX 5090 mạnh hơn RTX 4090 sơ sơ 1.7 lần. Từ trước tới nay thì những tin đồn mà Kopite7kimi cung cấp đều có độ chính xác nhất định (về GPU của NVIDIA), do đó thông tin RTX 5090 sử dụng GDDR7 VRAM là có cơ sở. Tốc độ hoạt động của GDDR7 vào khoảng 28 Gbps, nhanh hơn 4 Gbps (khoảng 17%) so với GDDR6X hiện tại. Nhưng đó chưa phải tất cả, chuẩn bộ nhớ đồ họa GDDR7 còn có thể đạt được ngưỡng 48 Gbps, tức là gần gấp đôi GDDR6X. Còn về cổng xuất hình DisplayPort 2.1 nếu thành sự thật, đây sẽ là card đồ họa đầu tiên của đội xanh có khả năng cung cấp trải nghiệm hình ảnh 8K ở tần số quét 165 Hz – thứ mà AMD Radeon RX 7900 XTX đã nhanh chân hơn từ năm ngoái.
Chiến lược giá của NVIDIA dạo này khá khó hiểu (RTX 4080 SUPER rẻ hơn RTX 4080), do đó những tin đồn về chi phí sở hữu của Blackwell hay RTX 5090 không nhiều. Nếu cách đây 8 năm, anh em chỉ cần bỏ ra 599 USD là có thể đem GTX 1080 về nhà thì chuyển qua RTX Series, card ngày càng mắc. Khởi đầu của RTX Series là RTX 2080 Ti có giá tới 1199 USD, đơn giản chỉ là gấp đôi thế hệ cũ tương ứng. Chuyển qua RTX 3090, người dùng cần bỏ ra số tiền 1499 USD để sở hữu và hiện tại, hay chính xác hơn là cuối 2022, 1599 USD là con số dành cho RTX 4090. Theo logic này, RTX 5090 sẽ có giá thấp nhất và tốt nhất là thay vị trí của RTX 4090, tức là giữ nguyên 1599 USD. Trường hợp xấu hơn thì anh em biết đó, chip càng ngày càng mắc, công nghệ càng ngày càng cao (và khó nữa), cộng thêm cơn sốt AI thì khả năng tiếp cận RTX 5090 của người dùng thông thường hay game thủ sẽ không hề dễ dàng (cả về tính sẵn hàng lẫn giá).
Nếu sản lượng không đủ tốt do giới hạn công nghệ và giả sử là Huang bớt “chấp niệm” thiết kế monolithic, anh em sẽ thấy được RTX 5090 xuất hiện trong hình hài MCM (Multi Chiplet Module). Về đầu nguồn phụ, trước mắt chưa có bất kỳ chuẩn nào mới hơn đầu cắm 12 + 4 pin hay 12VHPWR. Các bộ nguồn chuẩn Intel ATX 3.0/3.1 có trang bị dây cáp PCIe 5.0 đã nhiều hơn, đa dạng hơn và giá bán cũng bớt khó chịu, do đó anh em có thể trang bị dễ dàng.