Google hiện tại đang trong quá trình đàm phán để mua lại Wiz, một startup an ninh mạng có trụ sở tại New York, theo ba nguồn tin của tờ The New York Times. Thương vụ này có thể có trị giá lên tới 23 tỷ USD. Với thương vụ mua lại Wiz, Google đang đứng trước cơ hội thực hiện một màn sáp nhập với giá trị cao nhất lịch sử tập đoàn, và từ đó tạo ra những giải pháp bảo mật phục vụ các khách hàng doanh nghiệp. Con số được hé lộ này thậm chí còn cao gấp đôi số tiền mà Google bỏ ra vào năm 2012 để mua lại mảng smartphone Motorola Mobility.
Lần gần đây nhất, Wiz được các nhà đầu tư và các nhà phân tích thị trường định giá 12 tỷ USD.
Với một thương vụ có quy mô như thế này, dù tiềm năng trở thành hiện thực và hoàn tất là tương đối cao, nó vẫn có thể bị các nhà quản lý chống độc quyền mở cuộc điều tra hoặc ngăn chặn.
Lần gần đây nhất, Wiz được các nhà đầu tư và các nhà phân tích thị trường định giá 12 tỷ USD. Với một thương vụ có quy mô như thế này, dù tiềm năng trở thành hiện thực và hoàn tất là tương đối cao, nó vẫn có thể bị các nhà quản lý chống độc quyền mở cuộc điều tra hoặc ngăn chặn. Google hiện đang tiến hành những bước đàm phán sau cùng để mua lại Wiz, bất chấp việc họ thừa hiểu một thương vụ ở quy mô như thế này hoàn toàn có thể bị chặn bởi các nhà quản lý. Nhưng tham vọng mua lại Wiz là một phần của nỗ lực củng cố sức mạnh của mảng máy chủ đám mây Google Cloud, mảng có tốc độ phát triển cũng như tiềm năng đang thua kém hơn so với Amazon Web Services và Microsoft Azure.
Hiện tại, Google đang phải chịu hai vụ kiện độc lập từ bộ tư pháp Mỹ. Vụ kiện đầu tiên liên quan tới hành vi độc quyền thị trường tìm kiếm trực tuyến, và vụ kiện thứ hai liên quan tới việc độc quyền thị trường quảng cáo kỹ thuật số trực tuyến. Dự kiến vụ kiện đầu tiên sẽ có phán quyết của toà án vào mùa hè này.
Các nhà quản lý dưới quyền tổng thống Joe Biden trong thời gian qua đã và đang có những động thái cực kỳ mạnh tay trước mọi thương vụ sáp nhập của các tập đoàn công nghệ lớn. Cơ quan quản lý tại Mỹ đã thành công trong việc chặn những thương vụ có giá trị thấp hơn nhiều, chẳng hạn như thương vụ nhà phát hành Penguin Random House mua lại đối thủ Simon & Schuster với giá 2.18 tỷ USD, hay thương vụ hãng hàng không JetBlue mua lại Spirit Airlines với giá 3.8 tỷ USD. Amazon cũng phải từ bỏ thương vụ mua lại iRobot với giá 1.7 tỷ USD. Một lần nhiều người biết đến hơn, là việc bộ thương mại Mỹ thất bại trong việc chặn thương vụ Microsoft bỏ gần 70 tỷ USD mua lại hãng game Activision Blizzard, nhưng bị toà án bác bỏ.
Trong nhiều năm qua, các vị giám đốc ở Google đã tập trung vào việc khám phá những cách kinh doanh và kiếm tiền mới bên ngoài quảng cáo trực tuyến, nhưng công cụ tìm kiếm, YouTube và những nền tảng trực tuyến khác của Google hiện giờ vẫn đang chiếm tới 75% tổng doanh thu cả tập đoàn. Mua lại Wiz sẽ không giải quyết được vấn đề doanh thu của Google một sớm một chiều, nhưng sẽ giúp tạo dựng mối quan hệ và kết nối giữa Google Cloud với những công ty ứng dụng Wiz để bảo mật dữ liệu, thông qua giải pháp của startup này đang vận hành trong các máy chủ của AWS, Azure hay những nền tảng lớn khác.
Trước giờ Google luôn có quan điểm dè dặt trước những phi vụ sáp nhập lớn, nên việc mua lại Wiz với giá 23 tỷ USD sẽ là một thương vụ độc nhất vô nhị của tập đoàn này. Chỉ chưa đầy 2 năm kể từ khi mua lại Motorola Mobility, Google đã bán lại cho Lenovo với giá thấp hơn. Gần đây, năm 2021, Google bỏ 2.1 tỷ USD mua lại FitBit, cũng là một thương vụ bị các nhà quản lý thị trường Mỹ cùng nhiều khu vực khác soi xét trước khi được thông qua.
Trước đó, Google cũng đã từng có những thương vụ sáp nhập để cải thiện những dịch vụ mà Google Cloud cung cấp cho các đối tác sử dụng máy chủ đám mây của họ. Năm 2022, Google mua lại Mandiant, một công ty bảo mật với giá 5.4 tỷ USD. Cùng năm 2022, họ mua Siemplify, một đơn vị bảo mật nữa.
Thomas Kurian, CEO Google Cloud, hiện tại đang là người dẫn đầu nỗ lực đàm phán mua lại Wiz. Vị giám đốc này đang tìm cách biến bảo mật dữ liệu và an ninh máy chủ thành một thế mạnh của mảng điện toán đám mây Google, và Wiz sẽ giúp rất nhiều trong nỗ lực ấy. Startup này hiện tại đang có những khách hàng cực kỳ nổi tiếng: BMW, Slack và Morgan Stanley.
Wiz được thành lập năm 2020 tại Israel, giờ đặt đại bản doanh tại New York. Hồi đầu năm nay, họ thông báo doanh thu thường niên là 350 triệu USD, tăng 100 triệu USD so với hai năm trước. Trong số những nhà đầu tư cho Wiz, có những cái tên như Andreessen Horowitz, Lightspeed Venture Partners và Thrive Capital
Theo The New York Times