Ngày 30/11/2022, OpenAI ra mắt ChatGPT, chatbot tạo ra được thứ ngôn ngữ tự nhiên vận hành nhờ mô hình ngôn ngữ AI. Ở thời điểm ấy, cái ý tưởng về một thế giới công nghệ với những công cụ hỗ trợ người dùng bằng AI vẫn còn là thứ rất mới, chưa ai tưởng tượng được công năng và tác động đối với thị trường công nghệ.
Trước khi ChatGPT ra mắt, tất cả chúng ta đều đã thấy những chatbot có khả năng đưa ra những câu trả lời được lập trình sẵn, nhưng chưa từng thấy một giải pháp nào có thể trở thành một công cụ để máy móc có thể trò chuyện với người dùng, về mọi chủ đề, thậm chí còn giúp đỡ được người dùng làm vài công việc lặp đi lặp lại tốn thời gian, từ lên kế hoạch, tóm tắt những vấn đề phức tạp hay thậm chí là viết cả văn bản dựa trên chủ đề có sẵn.
Tua nhanh đến tháng 11 năm 2023, rất nhiều thứ đã xảy ra. Từ việc ChatGPT bị cấm vận hành tại Ý trong một khoảng thời gian ngắn vì lo ngại quyền riêng tư của trẻ em, hay gần đây hơn là drama Sam Altman bị đuổi khỏi vị trí CEO trong vài ngày, rồi trở lại và… đuổi ngược 3 thành viên ban quản trị OpenAI. Bất chấp những tranh cãi xoay quanh AI nói chung và OpenAI nói riêng, ChatGPT vẫn được hàng triệu người tin dùng làm “trợ lý ảo”, miễn là có kết nối internet. Từ nền web đến di động, ChatGPT giúp ích cho con người trong rất nhiều tác vụ khác nhau, và lượng truy cập giờ đã tính đến hàng tỷ.
ChatGPT là ứng dụng phát triển nhanh nhất mọi thời đại với 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng
Chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT của OpenAI với 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng đã trở thành phần mềm tăng trưởng nhanh chóng nhất mọi thời đại. Đó là kết quả 1 nghiên cứu gần đây thực hiện bởi UBS – ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty…
Theo SimilarWeb, chỉ tính riêng tháng 10/2023, ChatGPT có được gần 1.7 tỷ lượt truy cập từ cả hai nền tảng web và mobile, 193 triệu người dùng, mỗi lượt truy cập trung bình khoảng 8 phút. Để anh em dễ so sánh, Zoom cũng chỉ có 214 triệu lượt visit, Google Meet thì chỉ được có 59 triệu lượt trong tháng 10 vừa qua.
Điều đáng kể hơn, bên cạnh việc đem công cụ trợ lý ảo giúp ích cho hàng triệu người chỉ trong vòng vài tháng, ChatGPT còn làm được thứ khủng khiếp hơn, đó là trở thành chất xúc tác để kích thích sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái công nghệ AI, chứ không chỉ riêng mô hình ngôn ngữ và những chatbot. Chỉ vài tháng kể từ khi ra mắt, AI tạo nội dung đã trở thành cụm từ khoá mới và hot nhất trong thế giới công nghệ, và khiến hàng chục sản phẩm tiêu dùng dựa trên công nghệ này ra mắt, không chỉ tạo ra văn bản hay những dòng code, mà còn chế được cả hình ảnh, âm thanh hay gần đây là cả video nữa.
Nếu muốn trò chuyện kiếm thông tin hay hỗ trợ lập trình, giờ có Github Copilot hay Perplexity AI, những phiên bản được tinh chỉnh từ mô hình ngôn ngữ GPT, phục vụ cho những nhu cầu riêng. Nhiều doanh nghiệp và startup cũng liên hệ với OpenAI, thuê API mô hình ngôn ngữ mà họ phát triển để phục vụ những giải pháp dành cho doanh nghiệp, tạo ra những GPT riêng để làm những công việc như phân tích dữ liệu chẳng hạn.
Như đã đề cập trong bài tổng hợp trước, khi nói về nhu cầu GPU nghiên cứu AI đang giúp Nvidia thành công rực rỡ, những đơn vị nghiên cứu machine learning hầu hết đều phải dựa vào sức mạnh xử lý của chip chuyên biệt phục vụ nhu cầu huấn luyện thuật…
Quan trọng hơn cả, trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ AI, rất nhiều đơn vị, nhỏ thì là những startup, lớn thì là những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Microsoft, Google, Meta và Amazon cũng bắt đầu tự phát triển những mô hình ngôn ngữ của riêng họ, để tạo ra những chatbot có thể hiểu và trả lời những câu lệnh của người dùng. Đương nhiên hầu hết chúng đều không thể vận hành được như ChatGPT, chưa nói đến mức độ phổ biến. Nhưng rõ ràng thị trường mô hình ngôn ngữ càng lúc càng đông đúc đã chứng tỏ được GPT của OpenAI không phải là độc nhất, nhưng nó đã khởi động cả một cuộc chạy đua.
Ngay sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT là Anthropic và Google. Vài tháng sau khi ChatGPT ra mắt, Anthropic ra mắt Claude, Google thì có Bard.
Anthropic được những cựu nhân viên của OpenAI sáng lập năm 2021, tập trung nhiều vào mảng đạo đức và an toàn của công cụ trợ lý ảo vận hành bằng mô hình ngôn ngữ. Anthropic thiết kế Claude để nó có thể tuân theo những luật lệ, và tự cải thiện khả năng của chính nó dựa vào phản hồi của người dùng. Còn Bard của Google thì được phát triển từ mô hình ngôn ngữ Pathways Language Model 2, dựa vào kết quả tìm kiếm trực tuyến của Google để đưa ra thông tin cho mỗi câu lệnh của người dùng, tận dụng cả kết nối internet lẫn khả năng xử lý và nội suy ngôn ngữ để đưa ra những thông tin dễ tiếp cận.
Cả hai hiện giờ đều được coi là đối thủ nặng ký nhất của ChatGPT.
Kế đến, Inflection AI thì có trợ lý ảo Pi, được thiết kế để tạo ra những câu trả lời cá nhân hoá và gần gũi hơn ChatGPT. Corhere thì có Coral. Meta, đơn vị chủ quản Facebook và Instagram thì phát triển Llama 2, nhờ việc phát hành dưới dạng mã nguồn mở miễn phí, nên cũng tạo ra được xu hướng phát triển những ứng dụng dựa trên mô hình ngôn ngữ này.
Gần đây hơn, Reka, đơn vị mới được thành lập có 6 tháng đã giới thiệu Yasa-1, tận dụng một mô hình đồng nhất để hiểu và xử lý ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh và video ngắn. Đơn vị của Elon Musk sáng lập, xAI mới công bố Grok, sử dụng dữ liệu thời gian thực của MXH X để cung cấp những thông tin mới nhất.
Bên cạnh việc tạo ra những giải pháp để hỗ trợ người dùng trong nhiều tác vụ khác nhau, từ tìm kiếm thông tin, tóm tắt văn bản, thì vẫn phải nhớ một điều rằng mô hình ngôn ngữ hiện tại là những thứ liên tục biến đổi. Sức mạnh và giới hạn của chúng có khi thay đổi hoàn toàn chỉ sau vài tháng.
Tua nhanh 1 năm kể từ khi ChatGPT ra mắt, từ chỗ chỉ là một công cụ hỗ trợ dạng văn bản, mô hình ngôn ngữ giờ đã biến đổi, trở thành những công cụ có thể nhận diện cả giọng nói và hình ảnh. Thậm chí khi kết hợp với những công cụ AI khác để tạo nội dung âm thanh, những LLM có thể biến thành những trợ lý thông minh hơn rất nhiều so với những gì Siri, Alexa hay Cortana có thể làm được trước đây.
Về mặt phục vụ doanh nghiệp, đã bắt đầu có những công cụ trợ lý ảo phục vụ riêng từng nhu cầu khác nhau, từ các ngành nghề, ngôn ngữ, tập khách hàng cho tới nhu cầu sử dụng đều có những chatbot riêng
Naver của Hàn Quốc đang có HyperClovaX. Ernie của Trung Quốc thì vừa công bố chatbot DeepSeek, bên cạnh Poro và Nucleus. Bản thân Nucleus là một giải pháp hướng tới việc phục vụ người dùng trong thị trường nông nghiệp. Reliance Industries khổng lồ của Ấn Độ cũng chuẩn bị ra mắt trợ lý ảo từ AI tạo nội dung, phục vụ riêng những ngôn ngữ của các vùng ở quốc gia rộng lớn này, và họ vừa hợp tác với Nvidia để xây dựng cơ sở hạ tầng vận hành chatbot tiếng Ấn.
Một điều rõ ràng là thị trường chatbot cũng như AI tạo nội dung giờ càng lúc càng đông đúc, cạnh tranh càng lúc càng rõ ràng. Ai cũng muốn hiện thực hoá những hứa hẹn về những công cụ AI có thể trò chuyện và giao tiếp tự nhiên với người dùng. Nhưng cuộc đua thì chỉ mới bắt đầu. Khi những mô hình ngôn ngữ dùng làm khung sườn phát triển chatbot càng lúc càng phát triển, ít bị “loạn ngôn”, thì khoảng cách về công nghệ giữa những cái tên mà mình liệt kê trên đây sẽ càng lúc càng được rút ngắn.
Tròn 1 tuổi, ChatGPT vẫn là cái tên dẫn đầu thị trường chatbot AI. Nhưng chắc chắn ai cũng sẽ theo dõi cách sản phẩm này của OpenAI giữ ngôi vương. Đó còn chưa kể nỗ lực tạo ra những AGI, trí thông minh nhân tạo phổ quát, không chỉ có khả năng phán đoán và nội suy ngôn ngữ và nội dung, mà còn biết phân tích dữ liệu như cách não bộ con người hoạt động. Tiềm năng của AGI cũng nhiều hệt như nguy cơ của chính nó vậy.