CEO Nvidia: Mỹ phải mất 20 năm nữa mới có thể tự chủ chuỗi cung ứng chip bán dẫn

CEO Nvidia

Tại sự kiện DealBook do tờ The New York Times tổ chức tại Mỹ, CEO Jensen Huang của Nvidia đã có tuyên bố nói trên. Ông Huang cho biết, thành công của Nvidia dựa vào “hàng loạt những linh kiện khác nhau được sản xuất ở rất nhiều nơi trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở đảo Đài Loan,” nơi TSMC đang gia công những chip GPU cao cấp và hiệu năng mạnh nhất cho Nvidia.

Ông Huang nói rằng: “Để nước Mỹ hoàn toàn tự chủ chuỗi cung ứng chip bán dẫn, sẽ mất từ một đến hai thập kỷ. Điều đó khiến việc cố gắng tự chủ hoàn toàn chuỗi cung ứng trở nên bớt thực tế.” Bù lại, ước tính lạc quan nhất của CEO Nvidia cũng trùng khớp với kỳ vọng của chính quyền tổng thống Biden, tức là chỉ mất 10 năm để Mỹ không phải lo lắng về những áp lực địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới ảnh hưởng tới nguồn cung chip bán dẫn phục vụ nhu cầu của nước Mỹ.

Hồi đầu tháng 11, giám đốc Laurie Locascio của viện nghiên cứu tiêu chuẩn công nghệ quốc gia đã đưa ra con số kể trên: “Trong vòng 1 thập kỷ, chúng tôi kỳ vọng Mỹ sẽ có thể vừa sản xuất vừa đóng gói hoàn chỉnh những con chip phức tạp nhất.”

CEO Nvidia

Còn như đã đề cập vài lần, tháng 10 vừa rồi, chính quyền Mỹ đã đưa ra những quy định cấm vận mới để Trung Quốc không thể tiếp cận những chip xử lý AI mạnh nhất trên thị trường hiện giờ. Phản hồi quyết định này, CEO Huang xác nhận Nvidia sẽ tìm cách để tiếp tục được kinh doanh tại thị trưởng Trung Quốc, một trong những thị trường chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Để làm được điều này, Nvidia sẽ phải có những sản phẩm mới tuân thủ quy định về sức mạnh và băng thông bộ nhớ.

Cùng lúc, CEO Nvidia cũng thừa nhận những quy định mới có thể sẽ tạo ra những hệ quả chưa tính tới. Hồi đầu năm, Nvidia đã có một ngày mà giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán của họ tăng tới 200 tỷ USD. Nhưng vừa rồi khi công bố báo cáo tài chính quý III, Nvidia cũng đưa ra những cảnh báo về việc quy định cấm vận mới có thể sẽ khiến các công ty Mỹ mất thị phần chip xử lý tiêu dùng và cả chip AI vào tay các công ty nội địa Trung Quốc.

Nếu những tập đoàn của Mỹ mất thị phần, doanh thu và khả năng cạnh tranh của họ sẽ giảm, chí ít là xét riêng tới thị trường Trung Quốc. Còn thị trường này thì luôn luôn tìm ra cách để vượt rào cấm vận, từ đó cho phép các đơn vị và doanh nghiệp ở nước này sở hữu những công nghệ tân tiến nhất, với mục tiêu cơ bản cũng là tự chủ công nghệ bán dẫn, giống hệt như những gì Mỹ đang làm hiện giờ.

CEO Nvidia

Về phần đạo luật kích thích phát triển khoa học công nghệ nói chung và bán dẫn nói riêng, CHIPS Act, hồi tháng 8, văn phòng thương mại Mỹ cho biết, sau 1 năm đạo luật này được thông qua, chính phủ Mỹ đã đầu tư 53 tỷ USD cho các tập đoàn công nghệ. Các tập đoàn và doanh nghiệp thì đã công bố những khoản đầu tư tổng trị giá 166 tỷ USD để phát triển ngành bán dẫn trong nước.

Tuy nhiên văn phòng thương mại Mỹ đưa ra cảnh báo, đó là những khoản đầu tư kích thích phát triển ngành bán dẫn không phải lúc nào cũng nhắm tới việc tự chủ và phát triển khoa học kỹ thuật, mà chỉ dùng để mở rộng quy mô sản xuất với những fab gia công mới trên đất Mỹ. Và một yếu tố nữa cần đề cập chính là những khó khăn trong việc tìm kiếm chất xám, hiện giờ đang thiếu khoảng 67 nghìn người lao động tay nghề cao.

Theo ArsTechnica

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *